Điều 5. Nội dung kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm:
1. Kiểm tra các đơn vị sử dụng, quản lý người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:
- Việc đăng ký và quản lý hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; việc cấp, quản lý, sử dụng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
- Việc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Việc thanh toán các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
2. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm:
- Kiểm tra hợp đồng khám chữa bệnh.
- Việc tổ chức khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
- Việc tiếp nhận, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí khám chữa bệnh theo hợp đồng và theo các quy định của Nhà nước.
3. Kiểm tra công tác quản lý của các đơn vị trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bao gồm:
- Việc thực hiện các quy định trong quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Việc thực hiện các quy định về quản lý hồ sơ, cấp, quản lý và sử dụng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, về quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Việc thực hiện các quy định trong quản lý tài chính, tài sản, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi hoạt động bộ máy, đầu tư xây dựng và tổ chức công tác kế toán.
- Việc thực hiện các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ công chức trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Việc chấp hành các quy định khác của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.
4. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Điều 6. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh là người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, quyết định xử lý sau kiểm tra.
Điều 7. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ chương trình công tác kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Tổng Giám đốc phê duyệt và tình hình thực tế ở địa phương để xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác kiểm tra hàng năm của Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Điều 8. Trưởng Ban Kiểm tra, Trưởng Phòng Kiểm tra có trách nhiệm:
- Phối hợp với các Ban, phòng nghiệp vụ để xây dựng chương trình công tác kiểm tra hàng năm.
- Trình người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra.
- Tổ chức thực hiện kiểm tra.
- Đôn đốc, theo dõi việc kiểm tra nội bộ, việc tự kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động, việc thực hiện xử lý sau kiểm tra, kiến nghị việc phúc tra khi thấy cần thiết.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Kiểm tra
Đoàn Kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ và yêu cầu được ghi tại quyết định kiểm tra, Đoàn kiểm tra gồm Trưởng đoàn, phó trưởng đoàn (khi cần thiết) và các thành viên.
1. Trưởng đoàn kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn thực hiện theo yêu cầu, nội dung ghi trong quyết định kiểm tra.
- Trực tiếp tổ chức, chỉ đạo nghiệp vụ, điều hành các thành viên tiến hành kiểm tra, xử lý các phát sinh trong quá trình kiểm tra.
- Tổng hợp kết quả kiểm tra, lập biên bản kết luận kiểm tra và báo cáo bằng văn bản kết quả, kiến nghị xử lý kiểm tra với người ra quyết định kiểm tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
- Thực hiện lưu giữ hồ sơ kiểm tra theo quy định chung.
2. Phó trưởng đoàn và thành viên đoàn Kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Thực hiện chương trình nội dung, nhiệm vụ được Trưởng đoàn phân công.
- Chủ động tiến hành công việc được phân công; báo cáo và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn về ý kiến kết luận và các chứng cứ, tài liệu kiểm tra thuộc phần việc được giao.
Điều 10. Nguyên tắc làm việc của Đoàn Kiểm tra
- Khi làm việc với đối tượng kiểm tra để kiểm tra, xác minh thu thập chứng cứ phải có ít nhất 02 thành viên; nội dung làm việc phải được lập biên bản.
- Đoàn kiểm tra phải đảm bảo bí mật về tài liệu, thông tin và phương pháp kiểm tra liên quan đến cuộc kiểm tra. Thành viên Đoàn Kiểm tra không được tiết lộ hoặc nêu ý kiến kết luận chủ quan của mình khi chưa được phép của Trưởng đoàn.
- Đoàn Kiểm tra làm việc với đối tượng kiểm tra tại công sở, trong giờ hành chính. Khi cần thiết làm việc ngoài giờ phải được sự đồng ý của Trưởng đoàn kiểm tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân được kiểm tra.
1. Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam về các nội dung sau:
- Chương trình kế hoạch kiểm tra hàng năm (gửi vào ngày 10/1 hàng năm).
- Kết quả đã kiểm tra: định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và một năm BHXH tỉnh báo cáo BHXH Việt Nam vào các ngày 10 tháng sau của kỳ báo cáo (theo các mẫu từ 01 đến 07/BC-KT).
- Báo cáo kết quả xử lý sau kiểm tra (gửi vào ngày 10/1 hàng năm).
- Báo cáo đột xuất khi có vụ việc nghiêm trọng phát sinh hoặc vượt quá thẩm quyền xử lý của Bảo hiểm xã hội tỉnh; khi có các tổ chức thanh tra, kiểm tra khác tiến hành thanh tra, kiểm tra tại đơn vị.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về công tác kiểm tra theo quy định.