6. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
Điểm mới 10: về trách nhiệm lưu trữ hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp trong trường hợp hộ khoán có đề nghị cấp lẻ, bán hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh (Điều 7)
Bổ sung quy định về trách nhiệm của hộ khoán nếu có sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp lẻ, bán hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh.
Trước đây: Chưa có hướng dẫn về nội dung này.
Điểm mới 11: về việc sử dụng hóa đơn của hộ khoán (khoản 2, khoản 4 Điều 7)
Sửa đổi quy định về việc hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số, không sử dụng hóa đơn quyển. Trường hợp hộ khoán lựa chọn ổn định phương pháp tính thuế đến hết kỳ tính thuế năm 2021 theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 20 Thông tư này thì tiếp tục ổn định việc sử dụng hóa đơn cho đến hết kỳ tính thuế năm 2021.
Trước đây: Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính thì hộ khoán được sử dụng cả hóa đơn lẻ và hóa đơn quyển.
Điểm mới 12: về hồ sơ khai thuế trong trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh (điểm c khoản 2 Điều 13)
Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn mới đối với hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, hồ sơ khai thuế bao gồm:
- Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư;
- Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;
- Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
- Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;...
Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Trước đây: Trước đây hồ sơ khai thuế này áp dụng đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính.
Điểm mới 13: về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế (điểm b khoản 3 Điều 13)
Bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế (Tờ khai thuế khoán) chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày chuyển đổi phương pháp tính thuế.
Trước đây: Chưa có hướng dẫn về nội dung này.
Điểm mới 14: về điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán (điểm b khoản 4 Điều 13)
Sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán, theo đó, hộ khoán trong năm có đề nghị điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán do thay đổi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế kể từ thời điểm có thay đổi. Cụ thể như sau:
- Hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) về việc điều chỉnh mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế. Trường hợp qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra, cơ quan thuế có căn cứ xác định hộ khoán không đáp ứng điều kiện để được điều chỉnh mức thuế khoán theo quy định thì cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc không điều chỉnh mức thuế khoán theo mẫu số 01/TBKĐC-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.
- Hộ khoán thay đổi địa điểm kinh doanh thì phải thực hiện thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định và thực hiện thủ tục khai thuế tại địa điểm mới như đối với hộ khoán mới ra kinh doanh. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế để xử lý theo quy định. Cơ quan thuế quản lý nơi hộ khoán chuyển đến xử lý hồ sơ khai thuế của hộ khoán như đối với hộ khoán mới ra kinh doanh. Cơ quan thuế quản lý nơi hộ khoán chuyển đi ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) về việc điều chỉnh giảm mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế.
- Hộ khoán thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (kể cả trường hợp không thay đổi về tỷ lệ, thuế suất áp dụng) thì hộ khoán phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định (nếu có thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh so với đăng ký thuế), đồng thời khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan thuế căn cứ kết quả xử lý hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế (nếu có) và căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ) về việc điều chỉnh mức thuế khoán (nếu có) theo thực tế kể từ thời điểm thay đổi trong năm tính thuế.
- Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì hộ khoán thực hiện thông báo khi ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của hộ khoán hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế để điều chỉnh mức thuế khoán như sau:
+ Đối với hộ khoán đã được thông báo chấp thuận ngừng kinh doanh: nếu hộ khoán ngừng kinh doanh từ ngày đầu tiên của tháng dương lịch thì điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán kể từ tháng ngừng kinh doanh; nếu hộ khoán ngừng kinh doanh tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 02 đến ngày 15 của tháng dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng bắt đầu ngừng kinh doanh được điều chỉnh giảm 50% và điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán của các tháng sau tháng ngừng kinh doanh; nếu hộ khoán ngừng kinh doanh tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 16 trở đi của tháng dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng bắt đầu ngừng kinh doanh không được điều chỉnh giảm, chỉ điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán của các tháng sau tháng ngừng kinh doanh.
+ Đối với hộ khoán đã được thông báo chấp thuận tạm ngừng kinh doanh: nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh trọn tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng đó được điều chỉnh giảm toàn bộ; nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày liên tục trở lên trong một tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán phải nộp của tháng đó được điều chỉnh giảm 50%.
+ Thời gian ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh được xác định theo thông báo của người nộp thuế, trường hợp người nộp thuế ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh không thông báo hoặc thông báo muộn (bao gồm cả trường hợp vì lý do bất khả kháng theo quy định) thì cơ quan thuế căn cứ kết quả xác minh thực tế để xác định thời gian ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.
- Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.
- Hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai thì hộ khoán khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế khoán theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này. Cơ quan thuế căn cứ Tờ khai điều chỉnh, bổ sung để điều chỉnh giảm mức thuế đã khoán cho thời gian chuyển đổi.
Trước đây: Theo hướng dẫn tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 11 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính thì chỉ hướng dẫn việc điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán đối với một số trường hợp sau: hộ khoán trong năm có thay đổi hoạt động kinh doanh mà doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên; hộ khoán có thay đổi ngành nghề kinh doanh thì điều chỉnh theo thực tế; hộ khoán nếu ngừng/nghỉ liên tục trọn tháng dương lịch. Còn các trường hợp khác chưa có hướng dẫn.
Điểm mới 15: về việc công khai Bảng công khai thông tin hộ khoán theo mẫu số 01/CKTT-CNKD (điểm c khoản 5 Điều 13 và điểm a.2 khoản 8 Điều 13)
Bổ sung quy định trường hợp cơ quan thuế đã thực hiện được việc công khai Bảng công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thì không bắt buộc phải in, phát trực tiếp cho từng hộ khoán Bảng công khai theo mẫu số 01/CKTT-CNKD.
Trước đây: Theo hướng dẫn tại điểm c khoản 5 và điểm a.1 khoản 9 Điều 6 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính thì bảng công khai thông tin gửi cho cá nhân được lập theo địa bàn bao gồm cả cá nhân thuộc diện phải nộp thuế và cá nhân thuộc diện không phải nộp thuế. Với chợ, đường, phố, tổ dân phố có từ hai trăm (200) cá nhân kinh doanh trở xuống thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai của các cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Trường hợp chợ, đường, phố, tổ dân phố có trên 200 cá nhân kinh doanh thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai của không quá 200 cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Riêng đối với chợ có trên 200 cá nhân kinh doanh thì Chi cục Thuế in, phát cho từng cá nhân kinh doanh Bảng công khai theo ngành hàng.