Điều 6. Nội dung Bộ CSTC
Bộ CSTC phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế bao gồm 03 nhóm, cụ thể:
- Nhóm I: Nhóm CSTC phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau
Là nhóm các CSTC mà nếu NNT có dấu hiệu rủi ro thuộc một (01) trong các CSTC này thì hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT sẽ được thực hiện phân loại thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.
- Nhóm II: Nhóm CSTC phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo phương pháp chấm điểm rủi ro
Là nhóm các CSTC áp dụng phương pháp tính điểm, xếp hạng rủi ro. Trên cơ sở đó thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.
- Nhóm III: Nhóm CSTC theo yêu cầu quản lý của cơ quan thuế
Là nhóm các CSTC áp dụng phương pháp chấm điểm rủi ro mà cơ quan thuế có thể lựa chọn bổ sung vào Bộ CSTC đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.
Tổng cục Thuế sử dụng các CSTC Nhóm II và có thể lựa chọn thêm các CSTC Nhóm III (nếu cần) để thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Bộ CSTC do Tổng cục Thuế sử dụng được áp dụng toàn quốc.
Cục Thuế có thể xây dựng thêm Bộ CSTC trên cơ sở lựa chọn các CSTC Nhóm II và Nhóm III ban hành theo Quyết định này để thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT cho phù hợp với đặc điểm NNT và phù hợp với công tác quản lý từng địa phương. Trường hợp Cục Thuế lựa chọn, xây dựng thêm Bộ CSTC, Cục Thuế có văn bản báo cáo gửi về Tổng cục Thuế (qua Ban Quản lý rủi ro) để xem xét quyết định thực hiện.